Chợ đêm - động lực mới của du lịch

Chính thức được cấp "giấy khai sinh", mô hình chợ đêm kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn đột phá, làm đòn bẩy phát triển kinh tế đêm vốn là "cỗ máy in tiền" của ngành du lịch.

Chợ đêm chính thức "xuyên đêm"

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 60 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, do Bộ Công thương tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết tính tới cuối năm 2023, cả nước có gần 8.320 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.

Chợ đêm - động lực mới của du lịch- Ảnh 1.

Mua bán, hoạt động tại chợ đêm Đà Lạt

Gia Bình

Theo Nghị định mới, cùng với các chợ hoạt động theo mô hình truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân, chợ tạm, chợ nông thôn, sẽ có các hình thức chợ mới như điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng. Cụ thể, mô hình chợ cộng đồng hoạt động theo hình thức là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hàng hóa thông dụng thiết yếu được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.

Với mô hình chợ đêm, Nghị định mới quy định đây là chợ được tổ chức tại khu vực, địa điểm được dành cho phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động trong khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Các chợ cũng sẽ được phân thành 3 loại hình: chợ hạng 1, chợ hạng 2 và chợ hạng 3, tùy theo diện tích và quy mô các điểm kinh doanh cũng như việc đầu tư xây dựng kiên cố hay bán kiên cố.

Bộ Công thương cho biết mô hình chợ đêm đã được triển khai ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa… Lợi thế của chợ đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, hoạt động của chợ đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động khá lớn, nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn các dịch vụ kèm theo như bốc vác, lái xe, bảo vệ, quản lý, vệ sinh… Vì thế, sự phát triển của sản phẩm du lịch này có thể góp phần tạo việc làm mới cho người lao động.

Trong nghị định mới, Bộ Công thương đã bổ sung khái niệm về chợ đêm; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát triển chợ đêm phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền theo hướng khuyến khích phát triển phù hợp với bối cảnh thực tiễn tùy thuộc vào khả năng của địa phương. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, kiểm soát rủi ro, hạn chế hệ lụy tiêu cực và tác động, ảnh hưởng tới cộng đồng do hoạt động của chợ đêm...

Khai phá "mỏ vàng" kinh tế đêm

Đối với những người làm du lịch tại VN, câu chuyện cấp "giấy khai sinh" cho chợ đêm là mong mỏi suốt nhiều năm qua, bởi chợ đêm được coi là sản phẩm khởi đầu cho hành trình phát triển kinh tế đêm. Những khu chợ đêm vừa giúp du khách được thưởng thức sản vật, vừa cảm nhận văn hóa bản địa, không chỉ là điểm đến cho du khách vui chơi, mà còn là "mỏ vàng" cho địa phương. Ước tính, các khu chợ đêm trên khắp thế giới thu về hàng tỉ USD từ việc phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch.

Chợ đêm - động lực mới của du lịch- Ảnh 2.

Khách du lịch ở khu ẩm thực chợ đêm Hà Nội

Đ.N.T

Tại VN, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) hiện là điểm đến thành công nhất trong việc phát triển mô hình chợ đêm. Năm 2017, chợ đêm truyền thống tại Phú Quốc (ngã ba Bạch Đằng - Nguyễn Đình Chiểu) khai trương, trở thành khu chợ đêm đầu tiên trên cả nước được tổ chức bài bản, được xem là tiên phong tạo nên khái niệm kinh tế đêm ở VN. Theo thống kê, trung bình mỗi đêm, chợ này đón khoảng 2.000 lượt khách, mức chi tiêu bình quân 70 USD/người.

Đến năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, chợ đêm Phú Quốc đã thu hút 3.500 khách/đêm, chi tiêu bình quân tăng lên 150 USD/người. Như vậy mỗi ngày, riêng chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỉ đồng. Chưa kể, giá trị bất động sản và giá trị dịch vụ xung quanh chợ đêm trong bán kính 1 km đã tăng lên 300%, tiểu thương, người dân hưởng lợi lớn.

Sau đại dịch, lãnh đạo UBND TP.Phú Quốc xác định một mô hình chợ đêm chỉ đến thưởng thức ẩm thực thì không đủ, mà phải tạo ra những khu phức hợp để có thể đáp ứng thêm nhiều nhu cầu và tăng chi tiêu của khách du lịch. Từ đó, chợ đêm bên biển Vui Phết - VUI-Fest Bazaar ra đời.

Được phát triển trên mô hình chợ đêm sáng tạo, VUI-Fest Bazaar không đơn thuần tạo dựng nên một mô hình chợ đêm chỉ để du khách… đi chợ. Mỗi tối đến VUI-Fest Bazaar, du khách không chỉ được tham quan mua sắm tại hơn 50 gian hàng từ ẩm thực đến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, sản vật địa phương mà còn được xem đủ các show đường phố vui nhộn, trình diễn pháo hoa hằng đêm chưa từng có tại chợ đêm nào trên thế giới. Bởi vậy, chỉ vừa ra mắt, Vui Phết lập tức trở thành một "hiện tượng chợ đêm". Ước tính trung bình, chợ đêm mới tại Phú Quốc thu hút ít nhất khoảng 2.000 khách ghé thăm mỗi đêm. Ngày lễ, cao điểm có thể lên tới 4.000 - 5.000 khách.

Đó là lý do chợ đêm luôn nằm trong nhóm những sản phẩm du lịch được địa phương ưu tiên triển khai. Các TP du lịch như Đà Nẵng, Huế, thậm chí những địa phương vùng cao như Sa Pa, Mộc Châu... khi đặt vấn đề xây dựng sản phẩm về đêm, để chữa "căn bệnh trầm kha" là khách đến nhiều chi tiêu ít, thì việc đầu tiên nghĩ tới là quy hoạch phố đi bộ, làm chợ đêm. Không chỉ địa phương mà mỗi dự án khu đô thị mới, các nhà kinh doanh bất động sản cũng tự tổ chức riêng các khu chợ đêm để phục vụ cư dân, đồng thời trở thành điểm đến cho du khách.

Mới nhất, Q.7 (TP.HCM) hôm qua 30.7 công bố chuẩn bị mở Khu phố thương mại ẩm thực Sky Garden, đánh dấu bước mới trong hành trình thắp sáng kinh tế đêm của địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - UBND Q.7, thừa nhận một trong những điểm đáng tiếc nhất của Khu phố thương mại ẩm thực Sky Garden là chưa thể vượt khung "giờ giới nghiêm" (chỉ hoạt động tới 24 giờ) theo quy định của UBND TP.HCM.

"Đây mới chỉ là đề án thí điểm, được UBND TP.HCM cho phép thí điểm thực hiện đến năm 2025 rồi có sơ kết, tổng kết. Sau khi Bộ Công thương ban hành hướng dẫn quy định về kinh tế đêm trong Nghị định mới, chúng tôi cũng đã tổng hợp thông tin, nghiên cứu và trong quá trình thí điểm sẽ có cập nhật, kiến nghị TP có điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh mang tính đặc thù như vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thậm chí là hội họp cũng có thể làm xuyên đêm. Từ đó, phát triển đúng tính chất kinh tế đêm", bà Nguyễn Thị Kim Thanh thông tin thêm.

Bung sức sáng tạo để vẽ "hồn" chợ đêm

Tuy nhiên, thực tế đến nay, số địa phương có thể phát triển chợ đêm hay phố ẩm thực đêm thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hơn 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên quốc tế, anh Trần Đình Hương (hướng dẫn viên của một doanh nghiệp lữ hành lớn tại Hà Nội) đánh giá dù ở các điểm đến châu Á hay châu Âu thì các khu chợ, phố đi bộ, phố ẩm thực cũng đều là nơi vui nhất, thu hút nhất, thú vị nhất đối với du khách. Du khách châu Âu, châu Mỹ rất thích các điểm đến châu Á vì có những khu chợ đêm đông đúc, nhộn nhịp tới tận tối muộn. Tuy nhiên, so với các điểm đến như Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan hay Singapore, thì mô hình chợ đêm ở VN vẫn còn kém khá xa về độ hấp dẫn. Hầu hết các chợ đêm ở VN đều có mô hình giống nhau, thậm chí đến ẩm thực cũng bán giống nhau: đồ nướng, kem, trà sữa, hàng nhái và đồ thủ công sơ sài… Phương thức bán hàng thì phần lớn còn nhạt nhòa, thiếu sáng tạo.

Chợ đêm - động lực mới của du lịch- Ảnh 3.

Chợ đêm Vui Phết là “thỏi nam châm” hút khách của du lịch Phú Quốc

N.A

"So với mặt bằng chung như ở Thái Lan, mình sẽ thấy khác. Cùng là quầy trái cây tương tự nhau, nhưng tiểu thương VN thường bày hết lên rồi ngồi bấm điện thoại, còn tiểu thương Thái Lan chỉ bày ít sản phẩm, còn lại họ sẽ ngồi cắt tỉa, sáng tạo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách. Du khách thường bị hấp dẫn bởi quá trình chế biến, nhìn ngắm trái cây tươi được sơ chế nên họ mua. Tôi nhớ có lần dẫn khách đi chợ Chatuchak ở Bangkok (Thái Lan), đang dạo mua đồ thì có tiếng hú lên từng hồi, theo sau là tiếp bộp bộp như chặt gỗ. Ai cũng tò mò, mọi người chạy tới xem là cái gì. Hóa ra chỉ là một người đàn ông bán nước dừa. Mỗi lần chặt một quả dừa cho khách, ông ấy lại hú lên rồi vung tay múa múa mấy đường trước khi chặt, trông rất hài hước. Khách họ thấy vui, họ kéo lại mua đông lắm. Người tiểu thương phải nghĩ rằng họ đang làm du lịch để bung sức sáng tạo, chứ không chỉ bán hàng đơn thuần", anh Trần Đình Hương nói.

Đó là yếu tố mà PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, gọi là "cái hồn" của chợ đêm. Khách đến không chỉ mua sắm, ăn uống mà phải cảm thấy được thư giãn, vui vẻ, được trải nghiệm bằng nhiều giác quan. Cũng một quầy nước dừa, nước cam nhưng tiểu thương ở nước ngoài sẽ nghĩ ra cách chặt, bổ hoặc xếp vỏ trái cây độc đáo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách. Vì thế, không khí chợ đêm tại các nước luôn nhộn nhịp, hứng khởi. Chợ đêm rất cần "cái hồn" riêng, để du khách tới có thể cảm nhận được văn hóa, thương hiệu riêng, độc đáo của địa phương.

Bên cạnh đó, PGS-TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh chợ đêm, phố đi bộ là sản phẩm mang tính sơ khai, chỉ giải quyết được một câu chuyện trong nhiều câu chuyện của phát triển kinh tế đêm. Một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, ăn uống và mua sắm. Vì thế, các loại hình chợ đêm sẽ chỉ là một phần trong khu phức hợp kinh tế đêm, bao gồm cả thiên đường ẩm thực; không gian vui chơi giải trí, còn có thể mời nghệ sĩ, người nổi tiếng thế giới tới tổ chức những show diễn nghệ thuật đẳng cấp, áp dụng kỹ xảo, công nghệ…; và khu mua sắm có thể bán hàng lưu niệm, hàng truyền thống VN hay các khu outlet (thường bán hàng giảm giá), hàng hiệu, hàng miễn thuế được đảm bảo chất lượng, có kiểm soát. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là thay đổi tư duy, cởi mở với kinh tế đêm.

"Đúng là bây giờ chợ đêm mới có được danh phận chính thức nhưng thực ra, từ Quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở VN được Chính phủ ban hành vào tháng 7.2020 đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Sau đó, Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm mà Bộ VH-TT-DL ban hành hồi tháng 7 năm ngoái cũng cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng thực tế các địa phương vẫn không dám quyết tâm làm, vẫn tự lấy đá ghìm chân mình. Do đó, khung pháp lý là một phần, muốn phát triển kinh tế đêm, quan trọng nhất vẫn cần cú hích tư duy để có được những chính sách để đột phá", PGS-TS Phạm Trung Lương nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Tháng 9 nên đi du lịch ở đâu?

Tháng 9 nên đi du lịch ở đâu?

Tháng 9 là thời điểm tuyệt vời cho những chuyến đi của mùa Thu, với hàng loạt địa điểm bạn không thể bỏ qua.

Ngắm bộ ảnh đỉnh núi Bà Đen đoạt giải nhất ảnh đẹp Tây Ninh

Ngắm bộ ảnh đỉnh núi Bà Đen đoạt giải nhất ảnh đẹp Tây Ninh

Những bức ảnh đạt giải cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Tây Ninh 2024 vừa được công bố với giải nhất thuộc về nhiếp ảnh gia Bùi Văn Hải (TP.HCM) với bộ 8 ảnh trên đỉnh Bà Đen.

Bắc đảo Phú Quốc: Thiên đường của muôn trải nghiệm

Bắc đảo Phú Quốc: Thiên đường của muôn trải nghiệm

Một điểm đến với loạt trải nghiệm không thể bỏ lỡ, Meliá Vinpearl Phú Quốc là lựa chọn hoàn hảo cho kỳ nghỉ gia đình và nhóm bạn.